Nghị quyết 57: Cú hích như “Khoán 10” trong khoa học công nghệ

Nghị quyết 57: Cú hích như Khoán 10 trong khoa học công nghệ - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị (Ảnh: Phạm Thắng).

Sáng 13/1, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm ví Nghị quyết 57 như “Khoán 10” trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, qua đó thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.

 Tạo ra sự thực thi đồng bộ trong triển khai Nghị quyết 57

Chuyên gia công nghệ, Giám đốc Chuyển đổi số Công ty Cổ phần Giải pháp Công Nghệ Lạc Hồng, ông Nguyễn Bảo Trung, chia sẻ với phóng viên báo Dân trí: “Việc thành lập Ban chỉ đạo về phát triển khoa học công nghệ chính là bước triển khai cụ thể của phương pháp Tổ chức thực hiện đã nêu trong phần IV của Nghị quyết 57.

Điều đáng chú ý ở đây là ngoài việc đồng chí Tổng Bí thư đảm nhiệm vị trí Trưởng ban, thì một loạt các Phó ban được bổ nhiệm đều là các lãnh đạo trong bộ máy chính trị của đất nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số gồm 19 thành viên, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Chánh Văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc (Phó Trưởng Ban thường trực), Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải và Thủ trưởng cơ quan kiểm tra Trung ương, làm Phó trưởng Ban Chỉ đạo.

Điều này sẽ giúp triển khai đúng và nhất quán Quan điểm chỉ đạo (Phần I của Nghị quyết 57): “Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị”.

Theo ông Trung, Nghị quyết 57 có sự đột phá trong quan điểm chỉ đạo để đạt được những mục tiêu rất khó.

Chẳng hạn như mục tiêu đến năm 2030: Tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới.

Hay hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến; Quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị; phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới.

Nghị quyết 57: Cú hích như Khoán 10 trong khoa học công nghệ - 2

Ông Nguyễn Bảo Trung cho rằng Ban chỉ đạo có khả năng bao quát, tháo gỡ các nút thắt, các điểm vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi Nghị quyết 57 (Ảnh: Quyết Thắng).

“Chính vì vậy nên trong quá trình triển khai sẽ rất dễ gặp phải các khó khăn, vướng mắc phát sinh do sự chuyển mình không đồng bộ giữa rất nhiều cơ quan, tổ chức, trong mọi lĩnh vực trên cả nước.

Ban chỉ đạo với phần lớn là lãnh đạo tối cao của đất nước nên có khả năng bao quát chỉ đạo tháo gỡ các nút thắt, các điểm vướng mắc phát sinh trong mọi lĩnh vực, tổ chức, bộ máy; từ đó giúp tạo sự thực thi đồng bộ trên mọi mặt và xuyên suốt từ trung ương đến địa phương”, ông Nguyễn Bảo Trung bày tỏ. 

Đây chính là cơ sở để đảm bảo các Nhiệm vụ giải pháp (phần III của Nghị quyết 57) có thể được thực thi và đạt được hiệu quả tối đa.

Nhà khoa học: Nghị quyết 57 như “Khoán 10” trong khoa học công nghệ

Một điểm quan trọng của Nghị quyết 57 là hướng đến việc giải quyết những hạn chế, nút thắt đang cản trở sự phát triển của khoa học, công nghệ. Thực tế, các nhà khoa học thường mất quá nhiều thời gian, khoảng 50% thời gian, công sức dành cho các thủ tục rườm rà, cứng nhắc.

Trong khi đó, các đề tài nghiên cứu lại không có đột phá, không đo đếm được kết quả; nguồn lực dành cho khoa học công nghệ còn hạn chế.

Nghị quyết 57: Cú hích như Khoán 10 trong khoa học công nghệ - 3

PGS.TS Đặng Văn Đông (Ảnh: Nguyễn Nguyễn).

Đánh giá điều này, PGS.TS Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng Ban hoa, cây cảnh, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cho rằng, Nghị quyết 57 là cú hích quan trọng, mang tính đột phá đối với khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam, là một bước ngoặt, tương tự như “Khoán 10” trước đây trong lĩnh vực nông nghiệp.

 Nghị quyết số 10-NQ/TW (hay còn gọi là Khoán 10) của Bộ Chính trị năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã trở thành “cú hích” mạnh mẽ cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam những năm đầu đổi mới.

Từ một nước thiếu lương thực triền miên, đến năm 1989 (chỉ sau 1 năm thực hiện Khoán 10) sản lượng lúa gạo của cả nước đã đạt 21,5 triệu tấn, và lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 1,2 triệu tấn lúa, gạo.

Khoán 10 cũng là tiền đề để quy định về giao ruộng đất ổn định, lâu dài cho nông dân được cụ thể hóa tại Luật Đất đai năm 1993.

 “Nghị quyết 57 không chỉ thể hiện sự quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển khoa học công nghệ mà còn mang lại niềm tin lớn lao cho cộng đồng nghiên cứu khoa học.

Nếu được thực thi một cách hiệu quả, Nghị quyết 57 có thể giúp thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam, biến khoa học và công nghệ thành một động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng.

Đặc biệt, việc này còn góp phần thay đổi tư duy của các nhà khoa học – từ cách tiếp cận cứng nhắc, máy móc sang sự linh hoạt, sáng tạo hơn”, PGS.TS Đặng Văn Đông cho biết.

Theo ông, trước đây, chúng ta thường gặp khó khăn với những cơ chế quản lý cứng nhắc, tập trung nhiều vào đầu vào mà không quan tâm đủ đến đầu ra.

Theo đó, để thực hiện một đề tài khoa học, từ lúc đề xuất đến khi triển khai mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, khi thực tiễn thay đổi, chúng ta vẫn buộc phải tuân thủ kế hoạch ban đầu, dẫn đến việc nghiên cứu trở nên lạc hậu và không còn phù hợp. Điều này vô tình làm giảm hiệu quả của các nghiên cứu khoa học.

Tuy nhiên, ông cho rằng Nghị quyết 57 đã mở ra một hướng đi mới. Cụ thể, thay vì “chặt chẽ ở đầu vào,” chúng ta có cơ chế “khoán,” nghĩa là giao quyền tự chủ cho các nhà khoa học.

“Các nhà khoa học sẽ được tự do sáng tạo, linh hoạt điều chỉnh hướng nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn, miễn là đảm bảo chất lượng và kết quả đầu ra. Đây là sự thay đổi rất cần thiết để khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển”.

Không chỉ thay đổi cách thức sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ còn thay đổi cả nhận thức và nhu cầu của người tiêu dùng. Đây là kết quả của một quá trình, khi các nhà khoa học không còn bị bó buộc vào “lối mòn”, mà có thể dốc toàn lực vào sáng tạo và đổi mới.

PGS.TS Đặng Văn Đông bày tỏ sự tin tưởng rằng với Nghị quyết 57, Việt Nam sẽ thấy một sự thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải thực hiện Nghị quyết một cách hiệu quả, tạo điều kiện tối đa để các nhà khoa học phát huy chất xám, sự sáng tạo.

Bởi một khi cơ chế quản lý được cởi mở, các rào cản được tháo gỡ, các nhà khoa học Việt Nam chắc chắn sẽ tạo ra những thành tựu mang tính đột phá, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

seven + 8 =