Sức ép lớn đối với Apple

Trong một tài liệu được đăng tải trực tuyến, cơ quan quản lý cho biết các nhà phát triển bên ngoài nền tảng iOS cần được cung cấp thêm thông tin chi tiết về các yêu cầu quyền truy cập vào các tính năng của iPhone.

Sức ép lớn đối với Apple - 1

EU yêu cầu Apple phải thiết kế lại hệ điều hành iOS để tương thích hơn với sản phẩm từ những đối thủ cạnh tranh (Ảnh: Business Insider).

Ủy ban cho biết họ cũng cần được cung cấp một địa chỉ liên hệ chuyên trách để xử lý các yêu cầu đó. Cơ quan quản lý cũng muốn Apple áp dụng các quy trình minh bạch hơn liên quan đến các yêu cầu bị từ chối.

Tuy nhiên, yêu cầu trên được xem là đi ngược lại định hướng của Apple. Công ty cho biết hệ thống khép kín của họ mang lại trải nghiệm vượt trội cho người tiêu dùng và bảo vệ quyền riêng tư tốt hơn.

Trong khi đó, EU đang cố gắng kiềm chế quyền lực của các công ty công nghệ lớn từ Mỹ. Các cơ quan quản lý đã công bố danh sách những tính năng mà họ muốn Apple mở cho các nhà phát triển bên thứ ba, bao gồm kết nối Wi-Fi hay tính năng truyền tệp.

Đáp lại, Apple cho biết Đạo luật thị trường kỹ thuật số (DMA) của EU sẽ khiến người dùng gặp rủi ro. Công ty cho biết các quy tắc này buộc người dùng phải “mở thiết bị và dữ liệu nhạy cảm cho các công ty có tiền sử vi phạm quyền riêng tư”.

Apple cũng chỉ ra Meta (công ty mẹ của Facebook) là công ty đã đưa ra nhiều yêu cầu hơn bất kỳ công ty nào khác để truy cập vào các công nghệ nhạy cảm. Apple cho biết “Meta đang tìm cách thay đổi chức năng theo hướng gây ra mối lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật đối với người dùng”.

“Những quy định này sẽ gây tổn hại đến sự đổi mới. Các công ty phải cạnh tranh với nhau để tạo ra các sản phẩm của riêng họ.

Apple là công ty duy nhất bị buộc phải chia sẻ những cải tiến của mình theo cách này với mọi đơn vị khác, kể cả những công ty không cam kết về quyền riêng tư của người dùng”, Apple cho biết.

Sức ép lớn đối với Apple - 2

Apple đang gặp nhiều sức ép từ EU (Ảnh: CNN).

Trong khi đó, Meta lập luận rằng Apple đang chống cạnh tranh.

“Những gì Apple thực sự muốn nói là họ không tin vào khả năng tương tác. Mỗi khi Apple bị chỉ trích vì hành vi chống cạnh tranh, họ lại tự bảo vệ mình bằng lý do quyền riêng tư không có cơ sở thực tế”, một phát ngôn viên của Meta tuyên bố.

EU có thể đưa ra quyết định vào đầu năm tới, đồng thời tiến hành một cuộc điều tra chính thức nếu Apple không tuân thủ các quy tắc của DMA. Điều đó có thể dẫn đến các khoản tiền phạt lớn, lên tới 10% doanh số bán hàng hàng năm của Apple trên toàn cầu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

nineteen − 13 =